Progesterone là gì? Vai trò và cách bổ sung hormone này

Trong cơ thể con người, đặc biệt là nữ giới, hormone đóng vai trò như những “nhạc trưởng” điều phối hầu hết các hoạt động sinh lý quan trọng. Trong số đó, có một loại hormone ít khi được nhắc đến dù nó ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản và cả tâm trạng của phụ nữ, đó là progesterone. Vậy progesterone là gì? Nó có tác dụng ra sao? Hãy theo dõi bài viết sau để trang bị thêm kiến thức y khoa nhé!

Progesterone là gì? Progesterone là hormone thuộc nhóm steroid, được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng sau giai đoạn rụng trứng, tuyến thượng thận hay nhau thai trong thời kỳ mang thai. Progesterone đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống nội tiết sinh sản và là chất trung gian tham gia tổng hợp các hormone steroid khác.

Progesterone là gì?

Progesterone là một thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trong các tài liệu y khoa, nhất là khi đề cập đến nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bản chất và vai trò của hormone này trong cơ thể. Vậy thực chất progesterone là gì? Đây là hormone steroid nội sinh với công thức hóa học C₂₁H₃₀O₂, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau giai đoạn nữ giới rụng trứng.

Ngoài ra, hormone này cũng được tiết ra bởi tuyến thượng thận và nhau thai trong suốt thời kỳ phụ nữ mang thai. Về mặt cấu trúc, progesterone gồm bốn vòng hydrocarbon liên kết chặt chẽ, kèm theo các nhóm ceton và các vị trí oxi hóa đặc hiệu. Khiến nó mang tính kỵ nước tương tự như các hormone khác thuộc chung nhóm steroid.

Không chỉ đóng góp vào việc duy trì chức năng sinh sản và ổn định môi trường nội tiết, progesterone còn là chất trung gian tham gia chuỗi phản ứng tổng hợp các hormone steroid khác, bao gồm estrogen và androgen. Chưa dừng lại ở đó, nó còn đảm nhận vai trò như một neurosteroid, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

hormone progesterone là gì

Progesterone là gì? Là hormone sinh dục nữ được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng với công thức hóa học là C₂₁H₃₀O₂.

Vai trò của hormone progesterone

Progesterone là một trong hai hormone sinh dục nữ giữ vai trò điều tiết các quá trình sinh lý như chu kỳ kinh nguyệt, quá trình thụ thai, mang thai và cho con bú. Không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, hormone này còn tác động toàn diện đến môi trường bên trong cơ thể người phụ nữ ở từng giai đoạn sinh lý khác nhau. Dưới đây là các tác dụng nổi bật của progesterone được phân tích chi tiết theo từng chức năng sinh học cụ thể.

Điều hòa kinh nguyệt

Sự kết hợp giữa hai hormone sinh dục nữ gồm progesterone và estrogen giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Tùy theo giai đoạn trong chu kỳ, nồng độ của hormone này có thể thay đổi nhằm đảm bảo sự phát triển nội mạc tử cung, chuẩn bị cho quá trình thụ thai hoặc khởi động chu kỳ tiếp theo. Cụ thể:

– Ở giai đoạn nang noãn (trước rụng trứng): Ở nửa đầu chu kỳ, mức progesterone trong huyết thanh thường duy trì ở ngưỡng thấp, dao động khoảng 0,2–1,5 ng/ml. Lúc này, nội mạc tử cung bắt đầu tăng sinh dưới sự ảnh hưởng của estrogen, chuẩn bị cho giai đoạn rụng trứng sắp tới.

– Ở giai đoạn hoàng thể (sau rụng trứng): Khi nồng độ hormone LH đạt đỉnh và kích thích rụng trứng, thể vàng hình thành từ phần còn lại của tế bào nang noãn sẽ bắt đầu tiết ra lượng lớn progesterone với tốc độ nhanh chóng. Trong khoảng 7 ngày trước kỳ kinh, hormone này đạt mức cao nhất, tạo điều kiện cho nội mạc tử cung phát triển và dày lên, hỗ trợ quá trình làm tổ của trứng nếu việc thụ tinh xảy ra.

Ngược lại, nếu trứng không được thụ tinh, thể vàng thoái hóa kéo theo sự sụt giảm nồng độ progesterone, dẫn đến bong niêm mạc tử cung và tạo thành kinh nguyệt.

vai trò của progesterone là gì

Progesterone hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt ổn định cho nữ giới.

Nuôi dưỡng thai nhi

Khi quá trình thụ tinh thành công, progesterone góp phần cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng phôi thai xuyên suốt thai kỳ. Hormone này không ngừng được tiết ra nhằm duy trì môi trường ổn định cho thai nhi phát triển. Cụ thể:

– Ổn định niêm mạc tử cung: Progesterone kích thích sự dày lên của nội mạc tử cung, tạo lớp đệm giàu dưỡng chất giúp trứng đã thụ tinh dễ dàng bám vào và làm tổ.

– Ngăn ngừa co bóp tử cung: Progesterone làm giảm hoạt động co thắt của cơ trơn tử cung, từ đó hạn chế nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

– Tạo nút nhầy cổ tử cung: Hormone này kích thích hình thành nút nhầy dày đặc tại cổ tử cung, tạo hàng rào chắn ngăn không cho vi khuẩn và các tác nhân gây hại từ bên ngoài xâm nhập.

– Bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi: Nhờ vào việc cải thiện tuần hoàn máu và tăng dự trữ glycogen trong nội mạc tử cung, progesterone gián tiếp cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

công dụng của progesterone là gì với thai nhi

Progesterone giúp mẹ bầu mang thai thuận lợi và bảo vệ sự phát triển của thai nhi.

Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh

Sau khi em bé chào đời khỏe mạnh, progesterone vẫn tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất sữa mẹ. Hormone này giúp kích thích tuyến vú phát triển và chuẩn bị cho việc tiết sữa, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tự nhiên, đầy đủ và an toàn nhất cho trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.

Một số vai trò khác

Mặc dù, progesterone thường được biết đến là hormone sinh dục nữ và nắm giữ nhiều vai trò trong cơ thể phụ nữ, nhưng ở nam giới, hormone này cũng được sản xuất với lượng nhỏ. Nó không chỉ góp phần quan trọng trong quá trình sản sinh tinh trùng. Mà còn là chất trung gian tham gia sản xuất testosterone ở tuyến thượng thận và tinh hoàn.

Nồng độ progesterone bao nhiêu là bình thường?

Để xác định nồng độ progesterone trong cơ thể, cần tiến hành xét nghiệm máu định lượng, thường được tính bằng đơn vị ng/mL. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ so sánh với các giá trị tham chiếu tương ứng với từng độ tuổi, giới tính, tình trạng kinh nguyệt hoặc thai kỳ. Đây là cơ sở để đánh giá hệ nội tiết có đang hoạt động bình thường hay gặp trục trặc nào đó hay không. Chỉ số progesterone được xem là ổn định gồm:

– Nam giới, phụ nữ sau mãn kinh hoặc đang ở giai đoạn đầu chu kỳ kinh: Nồng độ progesterone thường ≤ 1 ng/mL.

– Giữa chu kỳ kinh nguyệt (thời điểm sau rụng trứng): Chỉ số có thể dao động từ 5 – 20 ng/mL.

– Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu: Nồng độ tăng cao, dao động trong khoảng 15 – 60 ng/mL.

– Giai đoạn giữa thai kỳ: Chỉ số tiếp tục tăng, thường trong khoảng 25.6 – 89.4 ng/mL.

– 3 Tháng cuối thai kỳ: Progesterone duy trì ở mức cao từ 48.4 – 42.5 ng/mL (lưu ý: chỉ số có thể bắt đầu giảm nhẹ để cơ thể chuẩn bị chuyển dạ).

Nồng độ progesterone sẽ thay đổi tùy theo thời điểm lấy mẫu trong ngày và từng chu kỳ sinh lý. Vì vậy, việc đánh giá kết quả cần đặt trong từng tình huống cụ thể dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân nào làm nồng độ progesterone tăng cao?

Việc progesterone tăng bất thường trong máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tốt. Tùy theo từng trường hợp, tình trạng này có thể phản ánh sự mất cân bằng nội tiết hoặc bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể:

– U nang buồng trứng: Một số loại u nang, nhất là u nang hoàng thể, có thể tiết ra progesterone vượt mức bình thường.

– Mang thai không thành công: Trong vài trường hợp sảy thai hoặc thai ngoài tử cung, progesterone vẫn tăng do cơ thể chưa nhận được tín hiệu thai nhi ngừng phát triển.

– Ung thư buồng trứng: Một số dạng ung thư buồng trứng kích thích tăng sản xuất progesterone không kiểm soát.

– Rối loạn tuyến thượng thận: Tuyến này cũng có chức năng tiết progesterone, nếu nó hoạt động quá mức sẽ khiến nồng độ hormone tăng cao.

– Ung thư tuyến thượng thận: Một số khối u ác tính ở tuyến thượng thận có khả năng làm lượng progesterone gia tăng bất thường.

– Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH): Đây là bệnh lý di truyền khiến tuyến thượng thận sản xuất hormone bị rối loạn, kéo theo tình trạng nồng độ progesterone và các steroid khác tăng mạnh.

Tình trạng progesterone thấp ở nữ là gì?

Nguyên nhân

Sự thiếu hụt progesterone có thể xuất phát từ nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe sinh sản, rối loạn nội tiết hoặc các vấn đề trong thai kỳ. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:

– Tiền sản giật hoặc thai muộn: Các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật hay việc mang thai muộn đều có thể khiến progesterone tụt xuống bất thường.

– Suy buồng trứng: Khi buồng trứng hoạt động kém hiệu quả hoặc bước vào giai đoạn suy giảm sớm, nồng độ progesterone sẽ không được duy trì ổn định.

– Vô kinh: Tình trạng không có kinh nguyệt trong thời gian dài thường đi kèm với mức progesterone rất thấp do không xảy ra rụng trứng.

– Thai ngoài tử cung: Trường hợp phôi thai làm tổ không đúng vị trí có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất progesterone tự nhiên trong cơ thể.

– Sảy thai: Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến sảy thai là do thiếu hụt progesterone – hormone giúp thai kỳ ổn định.

nguyên nhân gây tăng progesterone là gì

Thai ngoài tử cung là một trong những nguyên do gây suy giảm progesterone ở nữ.

Triệu chứng

Sự sụt giảm hormone progesterone không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tác động rõ rệt đến tâm sinh lý và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Sau đây là một số triệu chứng và biểu hiện thường gặp:

– Đau đầu kéo dài: Nồng độ progesterone thấp có thể làm thay đổi mạch máu não, dẫn đến các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu lặp lại.

– Tâm trạng thất thường: Lo lắng, dễ cáu gắt hoặc trầm cảm nhẹ xuất hiện do lượng hormone progesterone không đủ để cân bằng cảm xúc.

– Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt có thể đến sớm, trễ hoặc mất hẳn do thiếu progesterone để điều hòa chu kỳ.

– Giảm ham muốn: Hormone sinh dục thấp gây suy giảm nhu cầu tình dục, khiến phụ nữ cảm thấy mất hứng thú với chuyện chăn gối.

– Ra máu bất thường: Phụ nữ không mang thai nhưng gặp tình trạng chảy máu âm đạo bất thường cần kiểm tra nồng độ progesterone để loại trừ nguy cơ mất cân bằng nội tiết.

triệu chứng giảm progesterone là gì

Thiếu hụt progesterone kéo theo nhiều triệu chứng liên quan đến chức năng sinh lý, sức khỏe tinh thần và thể chất ở nữ.

Thiếu hụt progesterone có nguy hiểm không?

Progesterone đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và hỗ trợ quá trình mang thai. Khi nồng độ hormone này giảm sút bất thường, nữ giới có thể đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nhất là trong độ tuổi sinh sản. Cụ thể:

– Khó khăn trong việc thụ thai: Progesterone giúp làm dày lớp nội mạc tử cung sau rụng trứng để trứng đã thụ tinh có thể bám và phát triển. Nếu hormone này thấp, nội mạc không đủ dày, trứng không thể làm tổ, khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn.

– Nguy cơ sảy thai cao: Trong thai kỳ, progesterone cần được duy trì để ổn định lớp niêm mạc tử cung, tạo môi trường thuận lợi cho thai nhi phát triển đến khi sinh nở. Nếu nồng độ hormone này quá thấp, sẽ làm tăng nguy cơ gây bong tróc hoặc co bóp bất thường ở tử cung. Từ đó, dễ dẫn đến rủi ro sảy thai, thai lưu hoặc thai ngoài tử cung.

– Mất cân bằng nội tiết: Nếu progesterone thiếu hụt kéo dài, estrogen sẽ trở thành hormone trung tâm, gây nên các rối loạn như tăng cân không kiểm soát, giảm ham muốn tình dục. Cùng với đó là rối loạn kinh nguyệt, đau tức ngực, hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn cảm xúc và thậm chí ảnh hưởng đến chức năng túi mật.

Phụ nữ nên làm gì khi progesterone thấp?

Khi phát hiện nồng độ progesterone giảm, việc bổ sung hormone là cần thiết để duy trì cân bằng nội tiết và nâng cao sức khỏe sinh sản. Các phương pháp phổ biến hiện nay bao gồm:

– Kem và gel bôi: Đây là cách dùng hormone trực tiếp giúp tăng nồng độ progesterone ngay tại vùng sinh dục, hỗ trợ cải thiện niêm mạc tử cung và chức năng sinh sản.

– Thuốc đặt âm đạo: Thường được kê đơn trong trường hợp progesterone thấp tác động đến khả năng mang thai hoặc duy trì thai kỳ.

– Thuốc uống: Dạng viên uống cũng được sử dụng để điều chỉnh hormone toàn cơ thể, giúp cân bằng nội tiết tố nữ một cách nhanh chóng.

cách bổ sung hormone progesterone là gì

Đặt thuốc nén âm đạo là một trong những cách bổ sung lượng progesterone hiệu quả.

Tuy nhiên, các liệu pháp hormone trên không phải phù hợp với tất cả mọi người. Những phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh lý nghiêm trọng như: Ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung; các bệnh về gan; máu đông; đột quỵ;… thường được chuyên gia khuyến cáo không nên áp dụng do nguy cơ biến chứng cao. Chưa kể liệu pháp này còn tiềm ẩn một số tác dụng phụ như gây đau tim, tắc mạch máu, các vấn đề về túi mật hoặc gây ung thư vú. Vì vậy, người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị.

Nếu lo ngại về các rủi ro khi dùng liệu pháp hormone, phụ nữ có thể lựa chọn các phương pháp tự nhiên khác để tăng progesterone, bao gồm:

– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B và C như gan, trứng, các loại hạt, cam quýt, ớt chuông…, giúp cải thiện hoạt động của tuyến nội tiết và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.

– Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm như tôm, ngao, hàu, cua, sò, hến,… giúp hỗ trợ cân bằng hormone.

– Kiểm soát căng thẳng hiệu quả, vì stress kéo dài khiến cơ thể tăng sản sinh cortisol, làm giảm tiết progesterone.

Hy vọng qua bài viết mà Sexshop18 chia sẻ, bạn đã hiểu rõ hơn về progesterone là gì, cũng như vai trò của nó đối với chức năng sinh sản và những dấu hiệu cần lưu ý khi hormone này mất cân bằng. Hãy luôn cập nhật thông tin y khoa và lắng nghe cơ thể, để kịp thời phát hiện sự bất thường và chủ động bảo vệ sức khỏe nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *